Văn hóa Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Người
dân không có nguồn gốc Nhật chỉ chiếm hơn 1% tổng dân số vào năm 1993. Sắc dân nước ngoài đông nhất là Triều Tiên nhưng nhiều người Triều Tiên sinh trưởng tại Nhật Bản đã nói tiếng Nhật không khác gì người Nhật Bản
cả. Sắc dân này trước kia bị kỳ thị tại nơi làm việc và tại một số
phương diện trong đời sống hàng ngày. Sắc dân ngoại quốc thứ hai là người Trung Hoa rồi về sau còn có một số dân lao động gồm người Phi Luật Tân và người Thái.
Theo Bộ Nội Vụ của Nhật Bản, dân số Nhật Bản vào cuối năm 2000 là 126.434.470 người, đứng hàng thứ bảy sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia, Brasil và Nga. Mức gia tăng dân số lên tối đa vào năm 1974 với tỉ lệ sinh 1,27%, đã giảm xuống còn 0,35% vào năm 1992. Tuy thế, Nhật Bản vẫn có thể có dân số lên tới 129,5 triệu người vào năm 2010 rồi sau đó mới giảm bớt.
Do dân số đông, mật độ dân số của Nhật Bản lên tới 327 người/km², ngang hàng với các nước có mật độ cao như Bỉ, Hà Lan và Triều Tiên. Khoảng 49% dân Nhật tập trung quanh ba đô thị lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya
cùng với các thành phố phụ cận. Tokyo vẫn là nơi đông dân nhất, với
khoảng 1/3 tổng dân số. Lý do của sự tập trung này là vì Tokyo là trung
tâm của khu vực dịch vụ. Vào năm 1991, Nhật Bản có 13% dân số trên 65 tuổi, con số này thấp hơn so với của Thụy Điển là 18% và Anh là 15%. Tuổi thọ trung bình tại Nhật Bản là 81 đối với phụ nữ và 75 với nam giới.
Người Nhật Bản có nguồn gốc Mông Cổ,
giống như người Triều Tiên và Trung Hoa. Có lẽ vào khoảng 10.000 năm về
trước, sắc tộc gốc Mông Cổ này đã di cư tới Nhật Bản là nơi có sẵn tộc người Ainu,
một loại thổ dân gốc Caucase. Ngày nay thổ dân Ainu chỉ còn vào khoảng
14.000 người, sinh sống trong các khu vực riêng biệt thuộc Hokkaido. Người Ainu đang chịu các số phận thiệt thòi giống như thổ dân da đỏ tại Bắc Mỹ.
Do sống biệt lập với các quốc gia khác tại châu Á trong nhiều thế kỷ cho tới thời kỳ mở cửa vào năm 1868, Nhật Bản đã có các nét riêng về phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và văn hóa... trong đó gia đình đã giữ một vai trò trọng yếu. Trước Thế Chiến thứ Hai,
phần lớn người Nhật sống trong loại gia đình gồm ba thế hệ. Sự liên lạc
gia đình đã theo một hệ thống đẳng cấp khắt khe theo đó người cha được
kính trọng và có uy quyền. Người phụ nữ khi về nhà chồng phải tuân phục
chồng và cha mẹ chồng nhưng sau khi Luật Dân Sự năm 1947
được ban hành, người phụ nữ đã có nhiều quyền hạn ngang hàng với nam
giới về mọi mặt của đời sống và đặc tính phụ quyền của gia đình đã bị
bãi bỏ. Phụ nữ Nhật đã tham gia vào xã hội và chiếm 40,6% tổng số lực
lượng lao động của năm 1990.
Các phát triển nhanh chóng về kinh tế, kỹ thuật và đô thị cũng làm gia tăng loại gia đình hạt nhân chỉ gồm cha mẹ và các con, khiến cho loại đại gia đình giảm từ 44% vào năm 1955 xuống còn 13,7% vào năm 1991. Số người con trong gia đình cũng giảm từ 4,7 vào năm 1947
xuống còn 1,5 vào năm 1991 vì việc làm nơi thành phố và do cuộc sống
trong các căn nhà chung cư chỉ thích hợp với loại gia đình trung bình
là 2,9 người.
Cùng với sự thay đổi về số người trong gia đình, nếp sống hiện nay
của người Nhật Bản khác ngày trước do việc dùng các máy móc gia dụng,
do sự phổ biến các loại thực phẩm ăn liền và đông lạnh,
các loại quần áo may sẵn và các phương tiện hàng ngày khác. Những tiện
nghi này đã giải phóng người phụ nữ khỏi các ràng buộc về gia chánh,
cho phép mọi người có dư thời giờ tham gia vào các hoạt động giải trí,
giáo dục và văn hóa. Các tiến bộ về công bằng xã hội cũng làm mất đi
tính kỳ thị về giai cấp, về quá trình gia đình, và đại đa số người Nhật
Bản thuộc giai cấp trung lưu, căn cứ vào lợi tức của họ.
Ngày nay mặc dù Nhật Bản đã là một quốc gia tân tiến nhưng trong xã
hội Nhật, vai trò và các liên hệ nam nữ đã được ấn định rõ ràng.Thời
xưa, Nhật Bản theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò lớn hơn nam giới. Từ khi thời kỳ samurai phát triển, người đàn ông lại chiếm vai trò độc tôn. Dù rằng tinh thần giải phóng phụ nữ đã được du nhập vào Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19
nhưng hiện nay trong đời sống công cộng, người phụ nữ vẫn ở vị thế thấp
hơn nam giới và bên ngoài xã hội, người nam vẫn giữ vai trò lớn hơn một
chút. Theo căn bản, người nữ vẫn là người của "bên trong" (uchi no) và người nam vẫn là người của "bên ngoài" (soto no).
Phạm vi của người phụ nữ là gia đình và các công việc liên hệ, trong
khi người chồng là người đi kiếm sống và đưa hết tiền lương về cho
người vợ. Thời xưa, người phụ nữ trên 25 tuổi mà chưa có chồng thường
bị nam giới coi như "có khuyết điểm nào đó". Nhưng nay Nhật Bản lại là
nước có phụ nữ lấy chồng rất muộn, thậm chí là sống độc thân mà không
có chồng (Nhật Bản hiện nay là nước có phụ nữ lấy chồng rất ít và tỉ lệ
sinh thấp nhất Châu Á. Tại các công ty, nhà máy, cửa hàng... người phụ
nữ thường được thuê mướn để chào đón các khách mới đến. Ngày nay, vị
thế của người phụ nữ đã được nâng lên nhiều trong xã hội, nhất là tư
duy của lớp thanh niên trẻ - những người thường không có quan niêm phân
biệt và suy nghĩ bảo thủ, cổ hủ.
Xã hội Nhật Bản
có các nét đặc biệt về giao thiệp. Người Nhật thường cúi chào bằng cách
gập người xuống và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội của cả hai người.
Đây là một dấu hiệu quan trọng để tỏ lộ sự kính trọng. Một nét phong
tục khác là việc trao đổi danh thiếp.
Mỗi lần giới thiệu hay gặp mặt đều cần tới tấm danh thiếp và việc nhận
tấm danh thiếp bằng hai tay là một cử chỉ lễ độ. Tấm danh thiếp được in
rõ ràng và không được viết tay trên đó. Trong việc giao thiệp, người
Nhật thường không thích sự trực tiếp và việc trung gian đóng một vai
trò quan trọng trong cách giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn. Cũng như
đối với nhiều người châu Á khác, người ngoại quốc tới Nhật Bản cần phải
bình tĩnh trước mọi điều không vừa ý, không nên nổi giận và luôn luôn
nên nở nụ cười. (From Wikipedia Viet Nam)
|